hoạt động của chợ nông sản việt

Vai trò SGD thúc đẩy chuổi giá trị theo cơ chế thị trường
[ Cập nhật vào ngày (01/07/2020) ]


Ngày 28/11/2019 vừa qua, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau tổ chức Hội thảo Phát triển hợp tác xã kiểu mới theo mô hình liên kết chuỗi giá trị.  Sàn giao dịch TMĐT Chợ nông sản Việt rất vinh dự được chọn để trình bày nội dung “Vai trò của sàn giao dịch trong thúc đẩy chuỗi giá trị theo định hướng thị trường”. Dưới đây xin được giới thiệu toàn văn nội dung đã trình bày.

 

BÁO CÁO THAM LUẬN

VAI TRÒ CỦA SÀN GIAO DỊCH TRONG THÚC ĐẨY CHUỖI GIÁ TRỊ

THEO ĐỊNH HƯỚNG THỊ TRƯỜNG

(Tài liệu “Hội thảo Phát triển hợp tác xã kiểu mới theo mô hình liên kết chuỗi giá trị”)

 

Công ty CP công nhệ và đầu tư Cửu Long

447 Quốc lộ 1A, ấp Tân Tạo, thị trấn Châu Hưng, Vĩnh Lợi, Bạc Liêu.

 

Trong những năm gần đây ngành nông nghiệp nước ta có những kết quả khá ấn tượng, là một trong năm quốc gia sản xuất – xuất khẩu nông sản lớn, kim ngạch tăng dần qua từng năm; tuy nhiên với cách mua bán truyền thống như hiện nay vẫn còn những vấn đề bất cập cần giải quyết như đã diễn ra trong thời gian vừa qua như: được mùa mất giá, giải cứu nông sản (dưa hấu, thanh long, giải thiều, chuối, …), mua bán qua nhiều khâu trung gian đã đẩy giá bán lên làm cho nông sản kém sức cạnh tranh; chưa khuyến khích người nông dân sản xuất những nông sản có chất lượng vì không biết bán ở đâu còn người mua thì thiếu thông tin về nguồn gốc, xuất xứ.

Xây dựng và phát triển các trung tâm giao dịch (sàn giao dịch, chợ bán đấu giá) và các trung tâm ứng dụng công nghệ cao để giới thiệu, cung ứng vật tư (bao gồm cả tài chính, công nghệ) và tiêu thụ sản phẩm tôm nhằm minh bạch hóa thị trường; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có thể tiếp thị trực tiếp đến các hệ thống phân phối, bán lẻ và người tiêu dùng là một trong những giải pháp phát triển thị trường tôm được nêu trong Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 18/01/20108 của Thủ tướng chính phủ  “Về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm đến năm 2005”  .

Để góp phần giải quyết những vấn đề trên, sáng 5/4/2019, với sự hợp tác giữa Công  ty cổ phần công nghệ và đầu tư Cửu Long với  Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS - Hội Nghề cá Việt Nam) Sàn giao dịch (SGD) tôm Việt đã chính thức ra mắt tại TP Cần Thơ.


Các đối tác ký kết biên bản ghi nhớ ra mắt Sàn giao dịch tôm Việt. Ảnh: Báo Nhân dân

Sàn giao dịch đi vào hoạt động với mong muốn tạo sự minh bạch và công bằng nhằm thúc đẩy tiêu thụ và tăng khả năng cạnh tranh cho hàng nông sản nói chung và con tôm nói riêng ; góp phần xác định lại lợi ích của các tác nhân trong chuỗi giá trị.

Mô hình hoạt động Sàn giao dịch bao gồm kết nối và truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ blockchain nhằm giúp các tác nhân trong chuỗi giá trị có thể tham gia giao dịch mua-bán-cung cấp dịch vụ qua Sàn.

Các bên giao dịch: gồm người sản xuất nông sản (nông dân, trang trại, HTX, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp), Bên mua (Đại lý/doanh nhiệp xuất khẩu nông sản, Nhà máy chế biến, nhà nhập khẩu nước ngoài), ngoài ra còn có sự tham gia của các bên cung cấp dịch vụ cho bên mua bán (thu hoạch, vận chuyển, kiểm tra chất lượng hàng hóa).


 

Các tiện ích được thiết kế trên Sàn giao dịch:

+ Phần mô tả hàng hóa được thiết kế để người đặt lệnh giới thiệu đầy đủ các thông tin cần thiết, hình ảnh,  thời gian giao nhận hàng, giấy chứng nhận sản xuất theo chất lượng,… để người mua dễ dàng quyết định.

+ Sản phẩm sử dụng dịch vụ truy xuất nguồn gốc của SGD sẽ cung cấp cho người xem toàn bộ thông tin quá trình từ nuôi trồng (con giống, ngày thả, thức ăn, thuốc, ..) quá trình thu hoạch, vận chuyển, cơ sở chế biến, …

+ Nhiều phương thức thanh toán để Thành viên lựa chọn (COD/không dùng tiền mặt qua SGD).

+ Danh mục các lệnh mua/bán được sắp xếp để người xem dễ dàng tìm theo mặt hàng, quy cách, số lượng.

+ Cập nhật số lượng, giá cả các giao dịch thành công để dễ dàng truy xuất theo các mốc thời gian, theo từng địa phương.

+ Cung cấp các công cụ để Thành viên quản lý tài khoản giao dịch; Quản lý tình hình mua bán; tham chiếu giá cả các hàng hóa trước khi đặt/chốt lệnh.

+ Tham khảo giá mua đang diễn ra trên thi trường.

+ Khi giao dịch trên Sàn giao dịch các bên phải tuân thủ theo các luật, quy định của Nhà nước trong việc giao kết hợp đồng nên được bảo vệ quyền lợi theo quy định của  pháp luật và SGD; bên bị vi phạm có đủ cơ sở pháp lý để  yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với bên vi phạm gây ra.

Những lợi ích Sàn giao dịch đem lại:

(1)    Đối với người nông dân và người sản xuất nông sản:

           -   Giá cả do người bán quyết định dựa trên cơ sở giá thị trường, chất lượng, quy cách hàng hóa, do đó hạn chế được tình trạng bị ép giá.

           -   Tính thanh khoản cao: do nông sản được giới thiệu rộng rãi đến những người có nhu cầu trong và ngoài nước.

          -   Chủ động chọn thời điểm giao hàng, có thể đặt lệnh bán trước khi thu hoạch, giúp cho người bán chọn thời điểm giao dịch có lợi nhất, Nhà máy chế biến sẽ chủ động nguyên liệu, chủ động ký hợp đồng tiêu thụ, từ đó hạn chế rủi ro về giá cho cả  bên mua và bên bán.

           -    Việc giao dịch qua sàn sẽ tạo một vị thế thương lượng cho người sản xuất nông sản với các tác nhân khác trong chuỗi giá trị.

 

(2)    Đối với doanh nghiệp xuất khẩu:

-   Tìm nguồn hàng nhanh chóng, thời gian đáp ứng đơn hàng và giao hàng nhanh hơn.

-   Chủ động nguồn nguyên liệu: tổng hợp tình hình hàng hóa đăng bán trên sàn có thể dự đoán được nguồn cung trong thời gian tới.

-   Qua số liệu giao dịch trên sàn, sẽ tạo cơ sở dữ liệu để phân tích đánh giá xu hướng giá cả của từng mặt hàng.

-   Tiết kiệm chi phí sản xuất và chi phí tài chính, do:  tăng vòng quay vốn lưu động; giảm chi phí vốn lưu động tài trợ cho nguyên liệu; hàng tồn kho bình quân giảm, giúp giảm chi phí tiền lương nhân công trong công đoạn chế biến và tái chế một số lĩnh vực đặc thù như chế biến tôm; …

-   Tạo cạnh tranh lành mạnh trong nội bộ một ngành: Vòng quay vốn lưu động của các Nhà máy gần như nhau, giá mua nguyên liệu như nhau, do vậy cơ hội bán hàng là ngang nhau xét về giá.

Thông qua các tiện ích và lợi ích, Sàn giao dịch có thể hỗ trợ cho hàng nông sản những vấn đề sau:

1. Kết nối để thúc đẩy tiêu thu nông sản:

Với cách mua bán truyền thống như hiện nay thì cả người mua và người bán đều phụ thuộc vào thương lái, và đến lượt thương lái lại phải nhờ đến sự hỗ trợ của “cò” thì mới có thể nhanh chóng tìm được sản phẩm mình cần để giao cho nhà máy (tôm, lúa), do thiếu thông tin nên việc mua bán phải qua nhiều trung gian,

Khi giao dịch qua Sàn thì người bán có cơ hội giới thiệu sản phẩm của mình không chỉ trên địa bàn mà còn giới thiệu rông rãi trong phạm vi trong khu vực, thậm chí trên phạm vi cả nước và nước ngoài, ngược lại người mua cũng dễ dàng tìm mua được nguồn hàng mình cần, nên quá trình mua bán diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.

Thông qua sàn giao dịch, người sản xuất có thể “ký hợp đồng” bán hàng trước khi giao hàng, tạo điều kiện cho việc triển khai kế hoạch, cũng như định hướng sản xuất. Điều này sẽ làm giảm tối đa chuyện “được mùa, mất giá”.

2.  góp phần tăng khả năng cạnh tranh cho hàng nông sản:

Tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản xuất, hạn chế rủi ro để tăng khả năng cạnh tranh:

Hiện mặt hàng tôm của Việt Nam đang phải cạnh tranh về giá với các nước khác như India, Ecuador, … do vậy việc giảm giá thành khâu nuôi trồng, chế biến, giảm chi phí trung gian là một yếu tố hết sức quan trọng trong nền kinh tế hội nhập. Giao dịch qua Sàn giúp thu hẹp được khoảng cách giữa người sản xuất và nhà máy chế biến, giảm bớt các khâu trung gian không những từ người sản xuất đến nhà máy chế biến mà còn từ nhà máy chế biến đến nhà mua hàng nước ngoài.

Người nuôi trồng có thể sử dụng công cụ giao dịch “kỳ hạn” cho phép “chốt lệnh” trước khi giao hàng, việc “giao kèo” này đều mang lại lợi ích  cho cả bên mua và bên bán, cụ thể:

-  Đối với người xản xuất: sẽ tăng vòng quay vốn trong một vụ nuôi vừa tiết kiệm chi phí lãi vay, chi phí mua nợ thức ăn cũng như hạn chế rủi ro trong về thiên tai, dịch bệnh.

-  Đối với nhà máy chế biến: chủ động được nguồn và giá nguyên liệu đầu vào, không phải lo rủi ro về giá.

Khi giao dịch qua Sàn sẽ làm giảm lượng nguyên liệu không vô đơn hàng nên nhà máy chế biến tiết kiệm chi phí sản xuất và chi phí tài chính, do:  tăng vòng quay vốn lưu động; giảm chi phí vốn lưu động tài trợ cho nguyên liệu; giảm hàng tồn kho giảm và giảm chi phí tiền lương nhân công trong công đoạn chế biến và tái chế, ..

Ở một khía cạnh khác, khi giá nông sản được giao dịch minh bạch, công bằng  qua Sàn thì điều này có nghĩa là giá nguyên liệu đầu vào là như nhau thì đòi hỏi các nhà máy chế biến phải có sự thay đổi về công nghệ và sản phẩm để tạo ra lợi thế cạnh tranh, qua đó trình độ sản xuất nông sản ngày càng được nâng cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, góp phần đem lại lợi ích cho tất cả các tác nhân trong chuỗi gia trị.

Thúc đẩy xây dựng liên kết chuỗi giá trị kết hợp với giao dịch và sử dụng công cụ truy xuất nguồn gốc qua Sàn để xây dựng thương hiệu, nâng giá trị cho cho nông sản Việt:

Thông qua việc giao dịch trên Sàn sẽ khuyến khích người sản xuất quan tâm đến những mô hình tạo ra sản phẩm có chất lượng, an toàn thực phẩm để bán được giá cao hơn sản phẩm thông thường vì chỉ qua Sàn người mua mới tìm được sản phẩm này với số lượng lớn đáp ứng cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Để nâng giá trị nông sản cũng như con tôm thì phải xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thị trường về chất lượng; sản phẩm phải đạt được các chứng nhận theo yêu cầu của nước nhập khẩu như: chứng nhận SIMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt), chứng nhận ASC (Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản), chứng nhận hữu cơ, … và người tiêu dùng cuối cùng phải truy xuất được nguồn gốc từ đó mới xây dựng được thương hiệu.

Nhưng để được cấp giấy chứng nhận như ASC, hữu cơ, … thì chỉ một tác nhân không thể thực hiện được mà cần phải tạo liên kết chuỗi hoặc xây dựng vùng sản xuất độc lập thì mới đảm bảo các điều kiện theo quy định từng loại chứng nhận, đơn cử như: để đạt chứng nhận tôm hữu cơ thì tôm bố mẹ cũng phải đạt chứng nhận hữu cơ; thức ăn, hóa chất sử dụng trong quá trình nuôi phải thuộc danh mục quy định; khâu thu thu hoạch, vận chuyển cũng phải được kiểm soát; quy trình chế biến của nhà máy cũng phải được cấp chứng nhận hữu cơ, ...

Để người tiêu dùng tin tưởng thì ngoài việc sản phẩm đạt chất lượng thì phải cần cung cấp thông tin để truy xuất nguồn gốc. Đối với các dự án sản xuất tập trung hoặc thành lập các doanh nhiệp thì việc việc truy xuất nguồn gốc được thuận lợi hơn, tuy nhiên sản lượng sẽ không nhiều, không mang tính cộng đồng.

Đối với hộ sản xuất riêng lẻ, để kiểm soát được tất cả các khâu nhằm truy xuất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn, nếu ghi chép bằng giấy thì tốn nhiều chi phí và công sức, do đó chỉ có giao dịch qua Sàn (để biết sản phẩm do người nào bán) kết hợp với công nghệ Blockchain thì mới cập nhật đầy đủ thông tin phục vụ cho truy xuất nguồn gốc trong việc xây dựng thương hiệu.

3.Tích lũy dữ liệu để phục vụ cho công tác phân tích, đánh giá và dự báo thị trường:

 

Qua số liệu giao dịch trên Sàn, các tác nhân tham gia nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm sẽ được tiếp cận thông tin về nguồn cung, giá cả, nhu cầu thị trường một cách minh bạch và công bằng. Đó là cơ sở cở cho sự hình thành chuỗi giá trị ngành hàng thông qua liên kết, từng bước đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường xuất khẩu.

 

Trong tương lai, Sàn giao dịch kỳ vọng sẽ tích lũy được hệ thống cơ sở dữ liệu đủ lớn và chi tiết để đưa ra các mô hình dự báo giá cả, cảnh báo thị trường tới cả người mua, người bán và nhiều cơ quan quản lý ngành.

 

Cần phải nhìn nhận và xem Sàn giao dịch giao dịch thương mại điện tử nông sản hiện nay là bước chuyển tiếp trong một chiến lược phát triển các sàn giao dịch hàng hóa nông sản trong thời gian tới; do vậy, quản lý nhà nước phải trên cơ sở tạo thuận lợi, hỗ trợ và cần có sự hậu thuẫn của Chính phủ, các ngành trong việc tạo cơ chế, chính sách;  chính quyền các cấp, các hiệp hội cần tham gia tuyên truyền cho các chủ thể thấy được lợi ích khi tham gia giao dịch trên sàn. 

 

Trên đây là một số ý kiến tham luận của Công ty cổ phần công nghệ và đầu tư Cửu Long; xin kính chúc quý vị đại biểu dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.

 

Xin cảm ơn và trân trọng kính chào!

 

 

DỊCH VỤ TRUY XUẤT NGUỒN GỐC

 

 

 









 

 

 

 

 

 

 

 

 




VAM

  In bài viết