Ngành tôm sau COVID-19 sẽ phục hồi, nhưng sẽ phát triển mạnh nếu tính toán đến thị trường tiêu thụ.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thuỷ sản Minh Phú cho rằng hiện tại người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu tôm của Việt Nam đang có xu hướng “ăn tôm nhỏ”.
Lý do, vừa hợp túi tiền, vừa hợp khẩu vị. Trong khi đó, các quy trình nuôi, những người hướng dẫn cho người nuôi chăm chăm đến con tôm lớn, đúng cỡ.
Ông Quang nhận định: “Hiện tại tôm sú càng lớn, giá càng giảm, trong khi tôm cỡ 70 con/kg, hay 50 con/kg giá bằng với 30 con/kg nhưng doanh nghiệp không dám ký hợp đồng vì gom không đủ loại này để xuất khẩu”.
Dự đoán thị trường xuất khẩu tôm nước lợ năm 2020 sẽ đạt 3,5 tỉ USD. Tuy nhiên, theo ông Quang, nếu biết chú trọng đến người tiêu dùng thì giá trị xuất khẩu sẽ cao hơn.
Ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh, tỉnh Sóc Trăng lý giải: “Tâm lý của người nuôi là thích tôm lớn vì bán được số ký nhiều. Tuy nhiên, theo tính toán của chúng tôi để con tôm từ 70 con/kg lên 30 con/kg cần một lượng thức ăn rất lớn; điều kiệm môi trường nuôi cũng khắc khe. Tính toán cụ thể, nếu giá 70 con/kg bằng với giá 30 con/kg thì mắc gì nuôi đến 30 con/kg để vừa lâu vừa tốn thức ăn, vừa thấp thỏm lo âu”.
Dự đoán thị trường xuất khẩu tôm rất khả quan trong những tháng cuối năm 2020 do dịch bệnh COVID-19 đã giảm; mặc hàng tôm dễ tiêu thụ nhất là ở phân khúc bình dân.
Trả lời báo chí bên hành lang hội nghị tổng kết ngành tôm nước lợ năm 2019, kế hoạch phát triển năm 2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đồng tình với việc sản xuất phải chú trọng đến thị trường tiêu thụ.
Ông Cường lưu ý: “Chúng ta còn một thị trường 90 triệu dân trong nước và rất nhiều khách du lịch đến Việt Nam hàng năm. Đây là thị trường rất tiềm năng mà lâu nay các doanh nghiệp chưa khai thác một cách hiệu quả”.
Con tôm nước lợ Việt Nam chắc chắn sẽ phục hồi sau hạn mặn và COVID-19. Nếu chú trọng đến thị trường giá trị kinh tế mang lại sẽ không dừng lại ở con số 3,8 tỉ USD.